Jerusalem là một thành phố cổ ở Trung Đông nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết. Thành cổ nằm về phía đông của Tel Aviv, phía nam của Ramallah, phía tây của Jericho và phía bắc của Bethlehem. Đây là thánh địa chung của ba tôn giáo lớn gồm: Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo.
Các ghi chép lịch sử cho thấy Vua David đã chinh phục Jerusalem từ người Jebusites vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên. Người Jebusites, một chi tộc Canaan được cho là, ít nhất một phần, tổ tiên của người Palestine hiện đại, đã ở Jerusalem trong khoảng 2000 năm. Từ Palestine bắt nguồn từ Philistia, tên mà các nhà văn Hy Lạp đặt cho vùng đất của người Philistines. Cho đến tận ngày hôm nay sau mấy nghìn năm Jerusalem vẫn là thành phố linh thiêng nhất của người Do Thái và có ý nghĩa đặc biệt với người Kito giáo và người Hồi giáo.
Đặc điểm nổi bật của kiến trúc Jerusalem là sự cùng tồn tại của cái cũ và cái mới, thiêng liêng và thế tục, trong nhiều phong cách khác nhau. Đặc điểm nổi bật nhất là bức tường thành phố được xây dựng vào năm 1538–40 bởi quốc vương Ottoman Suleiman the Magnificent, chủ yếu dựa trên nền móng của những bức tường trước đó có niên đại chủ yếu từ thời kỳ Thập tự chinh nhưng ở một số nơi có niên đại từ thời Byzantine, Herodian và thậm chí là thời Hasmonean. Có thể vào Thành phố cổ qua một trong bảy cổng bất kỳ trên tường: cổng New, Damascus và Herod ở phía bắc, cổng St. Stephen’s (hoặc cổng Lion) ở phía đông, cổng Dung và Zion ở phía nam, và cổng Jaffa ở phía tây. Cổng thứ tám, cổng Golden ở phía đông hiện vẫn bị niêm phong. Cổng Jaffa và Damascus vẫn là lối vào chính.
Núi Đền
Một trong những địa điểm quan trọng của thành cổ là Núi Đền (Temple Mount), nằm ở phía Đông Nam của thành cổ Jerusalem, đây là một di tích rất quan trọng của người Hồi giáo. Al-Aqsa là tên được đặt cho toàn bộ khu phức hợp và là nơi tọa lạc của hai thánh địa Hồi giáo: Mái vòm Đá (Dome of the Rock) và Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, còn được gọi là Nhà thờ Hồi giáo Qibli. Al-Aqsa nằm ở trung tâm Thành Cổ của Jerusalem, trên một ngọn đồi được người Do Thái gọi là Har ha-Bayit (Núi Đền), và người Hồi giáo quốc tế gọi là Al-Haram al-Sharif (Thánh địa Cao quý). Dưới mái vòm đá vàng là Tảng đá Khởi thủy, nơi mà người Hồi giáo tin rằng đó là nơi mà tiên tri Muhammad được thiên sứ đưa về trời.
Bức tường than khóc
Một địa điểm vô cùng quan trọng khác của Jerusalem là Bức tường than khóc (Western Wall) nằm ở phía Tây của thành. Sau trận chiến với quan La Mã, bức tường thành bị phá hủy và hiện nay chỉ còn lại một đoạn ngắn của tường thành. Đã hơn 2000 năm trôi qua kể từ ngày Chúa Jesus giáng sinh, các tín đồ giáo vẫn đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới để cầu nguyện. Người Do Thái xưa và nay rất tồn sùng bức tường này, vì đối với họ đây là một di tích lịch sử và là niềm tự hào dân tộc. Bức tường chia thành hai khu vực dành cho nam và nữ. Để lời nguyện cầu được chấp nhận, người Do Thái đặt mẩu giấy có lời nguyện vào các khe nứt trên tường.
Nhà thờ Mộ Thánh
Cũng giống như Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem để tưởng nhớ việc đản sinh của Chúa Giêsu, thì Nhà thờ Mộ Thánh là thánh tích tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Golgotha, ngọn đồi hình đầu lâu ở Jerusalem cổ đại, nơi Chúa Jesus bị đóng đinh. Nó được nhắc đến trong cả bốn Phúc âm (Matthew 27:33, Mark 15:22, Luke 23:33, và John 19:17). Ngọn đồi là nơi diễn ra cuộc hành quyết bên ngoài tường thành Jerusalem và không xa ngôi mộ nơi Chúa Jesus được chôn cất. Vị trí chính xác của nó vẫn chưa chắc chắn, nhưng hầu hết các học giả đều nghiêng về nơi hiện được bao phủ bởi Nhà thờ Mộ Thánh hay còn gọi là đồi Gordon Calvary, nằm ngay phía bắc Cổng Damascus.
Phúc âm mô tả ngôi mộ Chúa Jesus nằm ở bên ngoài bức tường thành Jerusalem cổ, vì thông thường nơi mai táng trong thời cổ được coi là nơi không sạch sẽ, do đó thường không nằm phía trong các tường thành, tuy nhiên Nhà thờ Mộ Thánh lại nằm ở khu giữa thành phố, tức bên trong các tường thành Jerusalem cổ, do vua Hồi giáo Suleiman the Magnificent xây năm 1538. Người ta cho rằng thành Jerusalem vào thời Chúa Jesus thì hẹp hơn nhiều, nên vị trí này lúc đó nằm bên ngoài các tường thành, sau đó thành phố được nới rộng dần ra về hướng bắc và hướng tây.
Vào đầu thế kỷ thứ 2, địa điểm của nhà thờ hiện nay là đền thờ nữ thần Aphrodite. Khoảng năm 325-326 hoàng đế Constantine I ra lệnh phá đền thờ Aphrodite và cho xây dựng một vương cung Thánh đường. Nhà thờ được xây bên trên mộ Chúa Jesus. Công trình ở chính giữa nhà thờ hình vòm là Edicule (Nhà nguyện mộ Chúa) được xây trùm quanh mộ. Từ năm 1555, các phiến đá cẩm thạch được dựng lên bao quanh nền đá trong mộ, vị trí được cho là nơi đặt thi hài của Chúa Jesus sau khi Ngài qua đời.
Theo một sắc lệnh ban hành vào năm 1853, Nhà thờ Mộ Thánh được phân chia quyền quản lý giữa các cộng đồng là Chính Thống giáo Đông phương, Chính Thống giáo Armenia và Giáo hội Công giáo Roma. Theo Thỏa thuận Nguyên trạng được ban hành từ năm 1853, không phần chung nào của nhà thờ được bố trí lại nếu không có sự đồng thuận của tất cả các cộng đồng trên, từ đó gây ra những bất đồng ý kiến về việc bảo trì, thậm chí từ các thay đổi nhỏ.
Một ví dụ điển hình cho hệ quả của Thỏa thuận Nguyên trạng là một chiếc thang bằng gỗ đặt dưới cửa sổ bên ngoài lan can trên lối vào nhà thờ: một người nào đó đã đặt chiếc thang này ở đây trước năm 1852, mà theo Thỏa thuận Nguyên trạng thì nơi đây là phần chung, không ai được đụng vào nên chiếc thang cứ nằm y nguyên ở vị trí này cho tới ngày nay.
Năm 1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã hành hương đến Đất Thánh. Ngài mô tả chiếc thang là biểu tượng của sự chia rẽ trong Kitô giáo. Ngài đã ban hành lệnh của giáo hoàng rằng chiếc thang phải được giữ nguyên cho đến khi Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo đạt đến trạng thái đại kết.
Từ năm 1948 đến năm 1967, phần phía Tây của Jerusalem được quản lý bởi Israel như thủ đô của đất nước, trong khi phía Đông Jerusalem được quản lý bởi Jordan. Thành phố được hợp nhất lại bởi thắng lợi của Israel trong Chiến tranh, mặc dù thời điểm đó trong thành phố vẫn còn nhưng tranh chấp nội bộ, Luật của Israel tuyên bố từ năm 1980 Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn, không bị chia cách của Israel. Trong khi đó phía Đông Jerusalen lại được cho là thủ đô được chờ đợi của đất nước Palestine sau này. Đến hôm nay, vị trí những khu vực linh thiêng của Jerusalem vẫn còn xảy ra tranh chấp.
Việc không có phương tiện giao thông trong hầu hết Thành cổ giúp bảo tồn bản sắc đặc biệt của thành phố. Thành cổ Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1981. Tuy nhiên, bên ngoài các bức tường, Jerusalem là một thành phố hiện đại, với mạng lưới đường phố và giao thông, các tòa nhà cao tầng, siêu thị, doanh nghiệp, trường học, nhà hàng và quán cà phê. Sự pha trộn của tiếng Do Thái , tiếng Ả Rập, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác trên đường phố gợi nhớ đến sự phức tạp đa văn hóa và chính trị của cuộc sống ở thành phố được tôn kính này.